Một nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều nhất khi các thành viên TPP sẽ dỡ bỏ tới 18.000 dòng thuế cho nhau, theo nhận định của Bloomberg.
Việt Nam là thành viên quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Tổng thống Barack Obama. Mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước đang ấm lên kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, mặt khác, tình hình với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất đã có lúc rơi vào căng thẳng sau sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 năm ngoái. Do đó, Mỹ và Việt Nam đều đang thúc đẩy quá trình giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, thông qua một hiệp định mà quốc gia này không phải là thành viên.
Với tác động của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa ký kết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 11%, tương ứng 36 tỷ USD, nhờ hiệp định có quy mô lớn nhất toàn cầu này. Xuất khẩu có thể mở rộng 28% bởi các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ dịch chuyển nhà máy tới.
|
Nguồn: Bloomberg/GSO
|
Khu vực nào hưởng lợi nhiều nhất từ TPP?
Việc Mỹ và Nhật Bản giảm thuế sẽ đem lại lợi ích cho các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, vốn đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc sang nhờ chi phí lao động rẻ.
Theo nghiên cứu của Eurasia Group, kim ngạch xuất khẩu dệt may, giày dép của Việt Nam có thể tăng 50% trong 10 năm tới. Ngành thủy sản cũng được hưởng lợi từ việc từ việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu với tôm, mực và cá ngừ, từ mức 6,4-7,2% hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ đối mặt với quy tắc xuất xứ từ sợi, một thách thức có thể hạn chế một số quyền lợi của ngành công nghiệp dệt may.
|
Ngành dệt may dự tính hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Ảnh: NYTimes
|
TPP đem lại lợi ích gì cho các công ty nước ngoài?
Đích đến của thuế quan là thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Các tập đoàn dệt may, may mặc Texhong, Shenzhou và Pacific đã chuyển hoạt động sang Việt Nam để tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại.
Điều này có ý nghĩa thế nào đối với đầu tư vào Việt Nam?
Thỏa thuận được ký kết dự kiến sẽ mang lại tăng trưởng trong ngắn hạn. Chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng 4,9% trong tuần ngay sau khi đàm phán hoàn tất, với việc các nhà đầu tư ngoại tìm mua cổ phiếu trong lĩnh vực logistic, công nghiệp, thủy sản và may mặc.
Khối ngoại đã mua 41,8 triệu USD cổ phiếu trong tuần qua, tạo nên tuần mua ròng sau khi bán cổ phiếu hồi đầu tháng. Vốn FDI dự kiến cũng sẽ đổ nhiều vào các lĩnh vực trên.
Ngành nào dễ bị tổn thương bởi TPP?
Ngành nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi, dự kiến sẽ phải đấu tranh trước các công ty toàn cầu có quy mô lớn và hoạt động hiệu quả hơn.
Thuế nhập khẩu dược phẩm giảm về 0% từ mức trung bình 2,5% hiện nay dẫn đến cuộc cạnh tranh gay gắt hơn giữa các công ty nội địa với nước ngoài. TPP cũng tăng cường bảo hộ bằng sáng chế, khiến các công ty trong nước gặp khó khăn để sản xuất các loại thuốc mới.
Chính sách kinh tế của Chính phủ thay đổi như thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi một cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh với các công ty đa quốc. TPP cũng gây sức ép để Việt Nam cải cách thể chế và khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Rủi ro đối với Việt Nam?
Sau khi hoàn tất đàm phán, hiệp định phải được Chính phủ 12 nước thành viên thông qua trước khi có hiệu lực. Nếu TPP thất bại, mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ có thể bị ảnh hưởng và làm sứt mẻ ảnh hưởng của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu này trong khu vực châu Á.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do với đối tác lớn, như Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc để cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng nếu TPP bị "trục trặc", kế hoạch này sẽ bị ảnh hưởng.